Bạn cần lên kế hoạch đi khám bác sĩ nhãn khoa định kỳ trong năm khi mắc bệnh tiểu đường. Sở dĩ, lượng đường trong máu cao có thể dẫn đến một số vấn đề nghiêm trọng tiểu đường lên mắt bao gồm đục thuỷ tinh thể, nhìn mờ, bệnh võng mạc và tăng nhãn áp. Trên thực tế, bệnh tiểu đường được xem là nguyên nhân chính gây mù lòa ở người trưởng thành ở độ tuổi từ 20 – 74.
Dưới đây là 5 cách phổ biến nhất mà bệnh tiểu đường có thể làm ảnh hưởng đến mắt và thị lực, bao gồm:
1. Tiểu đường làm mờ mắt:
Bạn không nên vội vàng thay ngay kính đeo mắt mới khi nhận thấy mắt có vẻ mờ đi, vì tình trạng này có thể chỉ là một vấn đề nhỏ do lượng đường trong máu quá cao so với mức bình thường. Thấu kính của mắt có thể bị phồng lên và làm thay đổi khả năng nhìn mọi vật xung quanh của bạn.
Để cải thiện và loại bỏ tình trạng mờ mắt, bạn chỉ cần đưa lượng đường trong máu trở lại phạm vi bình thường, tương đương từ 70 – 130 miligam mỗi decilit (mg/dL) trước bữa ăn, và dưới 180 mg/dL từ 1 – 2 giờ sau bữa ăn. Bạn có thể mất tới 3 tháng để thị lực trở lại hoàn toàn bình thường.
Tốt nhất, khi gặp phải hiện tượng mờ mắt đột ngột, bạn nên gặp trao đổi với bác sĩ nhãn khoa, vì đây có thể là triệu chứng của một vấn đề nghiêm trọng hơn. Bởi ngoài làm mờ mắt tiểu đường khô mắt cũng là một tình trạng phổ biến mà người bệnh cần lưu ý.
2. Tình trạng đục thuỷ tinh thể:
Thủy tinh thể của mắt cho phép mắt bạn có thể nhìn và tập trung vào một hình ảnh tương tự như một chiếc máy ảnh. Khi thủy tinh thể của mắt bị vẩn đục hoặc bị nhoè có thể dẫn đến hiện tượng đục thuỷ tinh thể. Bất kỳ ai cũng có nguy cơ mắc phải căn bệnh này, nhưng những người bị tiểu đường dường như có xu hướng bị đục thuỷ tinh thể cao hơn so với những đối tượng khác, và thậm chí họ có thể gặp các biến chứng nhanh hơn.
Khi một phần của thủy tinh thể bị vẩn đục, mắt bạn sẽ không thể tập trung như bình thường và khiến bạn không thể nhìn thấy vật trước mắt. Các triệu chứng phổ biến của đục thuỷ tinh thể thường bao gồm nhìn mờ và chói mắt. Bạn sẽ cần phải thực hiện phẫu thuật để loại bỏ đục thuỷ tinh thể. Bác sĩ sẽ tiến hành thay thuỷ tinh thể bị đục bằng thuỷ tinh thể nhân tạo.
3. Bệnh tăng nhãn áp
Những người mắc bệnh tiểu đường có nhiều khả năng phát triển bệnh tăng nhãn áp ở nhiều dạng hoặc nhiều loại khác nhau.
Khi thủy dịch không thể thoát ra ngoài như bình thường sẽ tạo nên áp lực tích tụ bên trong mắt. Điều này làm hỏng các dây thần kinh và mạch máu trong mắt, đồng thời gây ra những thay đổi về thị lực.
Một trong những loại bệnh tăng nhãn áp phổ biến nhất là tăng nhãn áp góc mở, thường được điều trị bằng thuốc. Thuốc có thể giúp làm giảm nhãn áp, tăng tốc độ thoát thủy dịch và giảm lượng thủy dịch mà mắt bạn tạo ra (dịch nước). Nhìn chung, bệnh tăng nhãn áp góc mở thưởng không gây ra bất kỳ triệu chứng nào cho đến khi tiến triển xa hơn và mắt bạn bị mất thị lực nghiêm trọng.
Một số triệu chứng tăng nhãn áp ít phổ biến hơn, bao gồm:
- Nhức đầu
- Nhìn mờ
- Đau mắt
- Chảy nước mắt
- Mất thị lực
- Nhìn thấy quầng sáng
Việc điều trị tăng nhãn áp thường bao gồm thuốc và thuốc nhỏ mắt đặc biệt. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể yêu cầu bệnh nhân thực hiện phẫu thuật và điều trị bằng laser để giúp giảm nhãn áp.
Trong trường hợp bạn đã mắc bệnh tiểu đường, bạn cũng có nhiều khả năng mắc một căn bệnh hiếm gặp khác, được gọi là bệnh tăng nhãn áp tân mạch. Điều này khiến cho các mạch máu mới phát triển ở mống mắt – phần có màu sắc của mắt. Những tân mạch này ngăn chặn dòng chảy bình thường của thủy dịch ở mắt và dẫn đến tăng nhãn áp.
Phương pháp điều trị chính của bệnh tăng nhãn áp tân mạch là làm đảo ngược sự hình thành của các mạch máu mới. Đối với trường hợp này, bác sĩ sẽ sử dụng tia laser để làm giảm số lượng mạch máu ở phía sau mắt hoặc tiêm thuốc kháng VEGF, đồng thời kết hợp thêm một số biện pháp khác để nhanh chóng hạ nhãn áp.
4. Bệnh võng mạc tiểu đường
Võng mạc bao gồm một nhóm tế bào nằm ở mặt sau của mắt, có nhiệm vụ thu nhận ánh sáng và chuyển thành dạng hình ảnh thông qua tín hiệu mà dây thần kinh thị giác gửi lên não bộ.
Khi các mạch máu nhỏ trong võng mạc bị tổn thương có thể dẫn đến bệnh võng mạc tiểu đường. Căn bệnh này thường xảy ra khi lượng đường trong máu ở mức quá cao. Nếu không phát hiện và điều trị sớm, có thể dẫn đến mù lòa. Trường hợp mắc bệnh tiểu đường càng lâu thì khả năng mắc bệnh võng mạc tiểu đường của bạn càng cao. Nguy cơ mắc bệnh sẽ được giảm xuống nếu bạn kiểm soát tốt được lượng đường trong máu.
Những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 hiếm khi phát triển tình trạng này trước tuổi dậy thì. Nó cũng hiếm gặp ở những người lớn tuổi trừ khi họ đã mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 trong ít nhất 5 năm. Tuy nhiên, nếu bạn kiểm soát chặt chẽ lượng đường trong máu của mình bằng máy bơm insulin hoặc tiêm insulin nhiều lần trong ngày sẽ giúp bạn giảm thiểu được tỷ lệ mắc bệnh võng mạc tiểu đường.
Trong trường hợp mắc bệnh tiểu đường tuýp 2, bạn có thể nhận thấy một số dấu hiệu của các vấn đề về mắt khi được chẩn đoán. Do đó, để làm chậm hoặc ngăn ngừa bệnh võng mạc tiểu đường, bạn nên kiểm soát tốt lượng đường trong máu, cholesterol cũng như mức huyết áp của mình. Điều này không chỉ giúp cải thiện được sức khoẻ của đôi mắt mà còn tăng cường sức khoẻ tổng thể của bạn.
Võng mạc tiểu đường có thể dẫn đến mù lòa
5. Bệnh võng mạc tiểu đường tăng sinh
Bệnh võng mạc tiểu đường tăng sinh thường xảy ra khi các tế bào ở phía sau mắt không nhận đủ lượng oxy cần thiết và các tân mạch máu bắt đầu phát triển. Những tân mạch này thường rất mỏng manh, do đó chúng có thể bị chảy máu và dẫn đến tình trạng động máu. Điều này gây ra các mô sẹo và làm bong võng mạc.
Nếu võng mạc bị rách có thể dẫn đến tình trạng mất thị lực không thể phục hồi được. Tuy nhiên, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân điều trị bằng phẫu thuật laser để loại bỏ các mạch máu phát triển bất thường trong mắt, giúp ngăn ngừa nguy cơ mù loà.
Tóm lại, bệnh tiểu đường gây ra rất nhiều hệ lụy tới sức khỏe, trong đó mắt là phần ảnh hưởng nhiều và nghiêm trọng. Do đó, người mắc bệnh tiểu đường bên cạnh việc dùng thuốc, duy trì chế độ ăn uống lành mạnh cũng cần thực hiện việc kiểm tra sức khỏe định kỳ để sớm có những ngăn chặn kịp thời.
Nguồn: vinmec.com