Cẩm nang sức khoẻ, Gan mật

5 THÓI QUEN NHỎ GÂY TỔN HẠI LỚN CHO GAN – BẠN ĐÃ BIẾT CHƯA?

Chúng ta đều biết gan là bộ phận lớn nhất và rất quan trọng của cơ thể. Nhiệm vụ chính của gan là đào thải độc tố, duy trì cơ thể khỏe mạnh. Nếu gan bị tổn hại, nguồn độc tố này sẽ trở thành “sát thủ” thầm lặng, tàn phá cơ thể. Vậy bạn đã biết một vài thói quen hàng ngày ngỡ như vô hại nhưng có thể gây hậu quả rất lớn cho gan không?

Gan vừa có chức năng thải độc vừa tổng hợp và dự trữ dưỡng chất. Vì thực hiện cùng lúc nhiều vai trò nên gan liên quan đến hầu hết các cơ quan khác của cơ thể. Khả năng bù trừ của gan khá tốt. Do đó khi chức năng gan suy giảm dưới 25% mới có những biểu hiện rõ rệt. Điều này dẫn đến tình trạng phát hiện các bệnh về gan muộn, hiệu quả điều trị suy giảm. 

Suy giảm chức năng gan ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe

Việc nhận biết sớm các thói quen gây hại cho gan giúp chúng ta bảo vệ sức khỏe gan tốt hơn. Sau đây là 5 thói quen nhỏ nhưng gây hại lớn cho gan mà hầu hết mọi người đều mắc phải.

1. Tiêu thụ quá nhiều muối

Ăn mặn không chỉ gây hại cho thận hay tim mạch mà còn ảnh hưởng xấu đến gan. Một người trưởng thành khỏe mạnh chỉ nên tiêu thụ 5g muối mỗi ngày. Lượng muối tiêu thụ vượt quá 10 – 15g/ngày với người lớn hoặc 3 – 5g/ngày với trẻ sẽ làm giảm khả năng hoạt động của gan. Vì lượng muối dư thừa gây cản trở quá trình gan đào thải cặn bã dư thừa.

Tiêu thụ nhiều muối gây gánh nặng cho gan

Người mắc bệnh xơ gan càng cần hạn chế tiêu thụ nhiều muối. Vì hàm lượng muối trong cơ thể quá cao có thể gây phù nề, tim làm việc nhiều dễ dẫn đến biến chứng hoặc tử vong.

2. Tiêu thụ nhiều chất béo xấu

Chất béo rất cần thiết cho cơ thể, hỗ trợ quá trình tiêu hóa. Tuy nhiên chất béo được chia thành 2 loại là chất béo tốt và chất béo xấu. Chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa được xem là chất béo xấu, gây hại cho gan khi tiêu thụ nhiều trong thời gian dài.

Chất béo bão hòa có nhiều trong các thực phẩm: thịt đỏ, thịt đóng hộp, xúc xích, sản phẩm từ sữa,… Lượng chất béo này được khuyến cáo cần hạn chế vì làm tăng cholesterol trong máu gây béo phì và ảnh hưởng đến gan.

Chất béo chuyển hóa (transfat) rất có hại cho gan, được khuyến cáo không nên sử dụng. Loại chất béo này có nhiều trong các món chiên xào, thức ăn nhanh, bơ thực vật, bánh ngọt, thức ăn chế biến sẵn. Gan không thể xử lý loại chất béo này, làm tăng lượng đường trong máu, tích tụ chất béo quanh gan, dẫn đến xơ gan, gan nhiễm mỡ hoặc tổn thương gan. Tiêu thụ quá nhiều chất béo chuyển hóa còn gây nguy cơ bệnh tim mạch, tiểu đường, suy giảm chức năng trí tuệ.

Gan không thể xử lý chất béo chuyển hóa

3. Tiêu thụ nhiều đồ uống có cồn

Các loại đồ uống có cồn khi vào cơ thể chỉ có 10% được đào thải qua nước tiểu, mồ hôi và hơi thở. 90% còn lại sẽ do gan đào thải. Tuy nhiên, gan chỉ có thể lọc 7g cồn trong 1 giờ (trung bình 85 phút gan mới lọc hết 1 lon bia 330ml). Theo đó lượng bia rượu nạp vào cơ thể quá nhiều gan không đào thải kịp thời sẽ hấp thụ hoàn toàn vào cơ thể. Lúc này độc tố sẽ kích hoạt các tế bào kupffer sản sinh các chất gây viêm làm tổn thương tế bào gan, suy yếu gan. 

Bia rượu là nguyên nhân hàng đầu gây hại gan

WHO khuyến cáo không nên uống quá 20g cồn/ngày với nam giới và 10g cồn/ngày với nữ giới và không uống quá 5 ngày/tuần. Uống nhiều bia rượu còn giảm khả năng thanh lọc huyết dịch của gan, tăng độc tố trong cơ thể, gây tổn thương gan, trúng độc gan, viêm gan hay xơ gan.

4. Lạm dụng thuốc

Đa phần các loại thuốc đều có tác dụng phụ. Việc sử dụng thuốc quá nhiều trong thời gian dài sẽ là gánh nặng cho gan. Nghiên cứu chỉ ra rằng 10% bệnh viêm gan do thuốc đều liên quan đến tác dụng phụ của thuốc. Thuốc uống, thuốc tiêm, xịt hay dán,… đều được chuyển hóa tại gan. Theo đó, việc quá lạm dụng thuốc sẽ gây tổn thương gan.

Lạm dụng kháng sinh gây hoại tử gan

Sử dụng thuốc giảm đau thời gian dài còn làm giảm tốc độ lưu thông máu, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của gan, gây hoại tử gan, viêm gan, suy thận,…. Quá trình suy gan thường tiến triển âm thầm, đến khi có biểu hiện rõ rệt thì đã qua giai đoạn vàng để điều trị.

5. Thiếu ngủ và căng thẳng kéo dài

Từ 23h đến 5h sáng là thời gian gan, mật, phổi tiến hành quá trình thải độc cho cơ thể. Vì thế các chuyên gia luôn khuyến cáo thời gian ngủ tốt nhất là trước 10h để các cơ quan thải độc có thể thực hiện tốt chức năng của mình. Tuy nhiên, thức khuya lại trở thành thói quen của rất nhiều người hiện nay. 

Thiếu ngủ và căng thẳng kéo dài cản trở quá trình thải độc gan

Việc thường xuyên thức khuya không chỉ gây cản trở quá trình thải độc của gan, mà còn làm cơ thể mệt mỏi vì ngủ không đủ giấc. Sức đề kháng giảm dẫn đến quá trình tự phục hồi của gan cũng giảm. Độc tố không được đào thải, tích tụ lại gây ảnh hưởng sức khỏe gan. Bên cạnh đó, áp lực và căng thẳng thường xuyên làm tăng áp lực máu, giảm lượng máu cung cấp cho gan, thận, ảnh hưởng trực tiếp đến việc vận hành hoạt động của các cơ quan này.

Những thói quen này thường rất hay bị bỏ qua vì đa phần chúng ta đều cho rằng nó nhỏ nhặt. Song hệ quả gây ra cho gan lại rất lớn. Điều đặc biệt nguy hiểm là quá trình tổn thương gan luôn diễn ra âm thầm và gần như không có biểu hiện rõ ràng ở giai đoạn đầu. 

Vì thế để bảo vệ sức khỏe gan và duy trì cơ thể khỏe mạnh, cần hạn chế thói quen xấu dù nhỏ nhất, thường xuyên thực hiện lối sống lành mạnh. Ngoài ra, bạn có thể tăng cường sức khỏe lá gan bằng việc bổ sung các loại thực phẩm tốt cho gan nguồn gốc tự nhiên, lành tính. Gan khỏe thì cơ thể khỏe, hãy chăm sóc gan thật tốt bạn nhé.