Người tiểu đường ngủ ít hơn 6,5 giờ mỗi đêm, thiếu ngủ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, trầm cảm, giảm khả năng miễn dịch.
Người mắc bệnh tiểu đường khi ngủ ít hơn 6,5 giờ mỗi ngày làm cho tình trạng kháng insulin trầm trọng hơn. Trong khi người bình thường nếu thường xuyên ngủ ít hơn 6,5 giờ tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Thức khuya làm giảm quá trình chuyển hóa đường huyết, gây khó kiểm soát đường huyết, tăng cảm giác thèm ăn, dễ dẫn đến tăng cân, béo phì.
Giấc ngủ kém ảnh hưởng xấu đến tình trạng viêm trong cơ thể. Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng trong điều chỉnh hệ thống thần kinh trung ương, có liên quan đến hệ thống phản ứng với căng thẳng, gọi là hệ thần kinh giao cảm và trục vùng dưới đồi – tuyến yên – tuyến thượng thận.
Mất ngủ ảnh hưởng đến khả năng điều chỉnh cảm xúc và tương tác xã hội. Khi mệt mỏi, chúng ta khó kiểm soát cảm xúc, ảnh hưởng đến tâm trạng. Người thiếu ngủ thường xuyên có nhiều khả năng tránh các sự kiện xã hội và cảm thấy cô đơn. Người tiểu đường thiếu ngủ và áp lực do cố gắng kiểm soát đường huyết có thể ảnh hưởng xấu đến tâm lý.
Người bình thường hay mắc bệnh tiểu đường có chất lượng giấc ngủ kém làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Giấc ngủ ngắn làm tăng nguy cơ huyết áp cao, nhất là ở người mắc chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn. Do đó, giấc ngủ ngon có vai trò quan trọng với sức khỏe như ăn uống, nhất là với người tiểu
đường.
Mặc dù nhu cầu ngủ của mỗi người khác nhau nhưng hầu hết người trưởng thành cần ngủ 7-9 giờ mỗi đêm. Dưới đây là lợi ích khi người bệnh ngủ đủ giấc.
Giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch: Thiếu ngủ, chất lượng giấc ngủ kém tăng khả năng mắc bệnh tim mạch. Ngược lại khi ngủ đủ giấc giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tăng huyết áp
Tăng cường khả năng tập trung: Thiếu ngủ tác động tiêu cực đến nhận thức, tập trung, năng suất và hiệu suất làm việc, giảm động lực tập thể dục, dẫn đến kiểm soát đường huyết không tốt.
Giấc ngủ rất quan trọng với não bộ: Ngủ ngon và đủ giấc giúp cải thiện kỹ năng giải quyết vấn đề, tăng cường trí nhớ ở cả trẻ em và người lớn. Giấc ngủ tốt và đầy đủ cũng được chứng minh có tác dụng nâng cao hiệu suất thể thao.
Trạng thái tinh thần tốt hơn: Ngủ sâu và ngon giấc cho bộ não nghỉ ngơi, lọc sạch những chất chuyển hóa tích tụ trong hệ thần kinh sau ngày làm việc, học tập. Qua ngày mới, não bộ linh hoạt, xử lý thông tin nhạy bén và thúc đẩy làm việc hiệu quả.
Cải thiện chức năng sinh dục: Ở nữ giới, thời gian ngủ dài hơn có liên quan đến ham muốn tình dục cao hơn vào ngày hôm sau. Ngược lại, nếu ngủ ít hơn thì khả năng hưng phấn tình dục vào ngày hôm sau kém hơn.
Khả năng sinh sản: Não điều chỉnh các hormone chu kỳ giấc ngủ, kích hoạt giải phóng các hormone sinh sản. Do đó, thức khuya cản trở các hormone liên quan đến rụng trứng ở phụ nữ và sản xuất tinh trùng ở nam giới, ảnh hưởng khả năng sinh sản.
Lưu ý: người bệnh tiểu đường nên ngủ sớm, không để thiết bị điện tử trong phòng ngủ, hạn chế làm việc vào buổi đêm, ăn thực phẩm dễ ngủ, thiết kế phòng phù hợp để nâng cao chất lượng giấc ngủ.