- Tên gọi khác: Cây ngao, Giầu, Nhầu núi, Noni,…
- Tên khoa học: Morinda citrifolia L
- Họ: Thuộc họ Cà phê (Rubiaceae)
1. PHÂN BỐ:
Cây nhàu thường mọc ở các vùng nhiệt đới và ôn đới. Ở Việt Nam, cây nhàu thường mọc hoang hoặc được trồng ở khắp các tỉnh miền Nam và rải rác các tỉnh miền Trung, các vùng ẩm thấp dọc hai bên bờ sông, suối, ao hồ, mương hoặc kênh rạch. Trên thế giới, cây nhàu xuất hiện ở các nước thuộc các vùng Đông Nam Á, Tây Ấn, Hawai, Đông Indonesia và một số nước khác.
2. ĐẶC ĐIỂM:
Quả nhàu là quả của loài thực vật cùng tên có danh pháp khoa học – Morinda citrifolia. Cây nhàu có nguồn gốc từ Đông Nam Á nhưng hiện nay đã được di thực và trồng ở nhiều quốc gia khác, đặc biệt là ở Nhật Bản.
Quả nhàu có kích thước tương đương quả xoài, thường có màu xanh nhưng khi chín chuyển sang màu trắng hoặc vàng. Trái nhàu ăn được nhưng vị đắng, hăng, cay và có mùi khá khó chịu. Vì vậy hiện nay người ta chủ yếu sử dụng nước ép trái nhàu để làm giảm vị đắng và mùi khó chịu của quả tươi.
Thành phần của trái nhàu chứa thành phần dinh dưỡng và các chống oxy hóa đa dạng. 100g quả nhàu có thể cung cấp hàm lượng dinh dưỡng như sau:
- Calo: 47 calo
- Protein: > 1g
- Chất béo: > 1g
- Vitamin C: 33% nhu cầu hàng ngày (RDI)
- Đường: 8g
- Kali: 3% RDI
- Biotin: 17% RDI
- Canxi 3% RDI
- Magie: 4% RDI
- Folate: 6% RDI
Ngoài ra quả nhàu còn chứa một số chất chống oxy hóa chính như iridoids, vitamin C, E, beta-carotene,…
3. CÔNG DỤNG:
Trái nhàu được chứng minh là có nhiều lợi ích đối với sức khỏe của con người. Bên cạnh tác dụng bồi bổ cơ thể, loại quả này còn có tác dụng phòng ngừa và hỗ trợ điều trị các bệnh lý thường gặp.
3.1. Giảm ảnh hưởng của khói thuốc lá
- Các nghiên cứu mới nhất cho thấy, nước ép từ quả nhàu có tác dụng làm giảm tổn thương tế bào do khói thuốc lá gây ra.
- Như đã biết, khói thuốc lá chứa nhiều hóa chất độc hại, có thể gây tổn thương phổi và các tế bào trong cơ thể. Tổn thương tế bào thường có xu hướng phát triển dần theo thời gian và gây ra những bệnh lý mãn tính như tiểu đường, viêm phổi, tim, ung thư,…
- Nghiên cứu được thực hiện trên những người nghiên thuốc lá nặng cho thấy, sử dụng khoảng 118ml nước ép quả nhàu mỗi ngày trong vòng 1 tháng có thể làm giảm 30% số lượng gốc tự do trong cơ thể. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng nhận thấy, dùng 118ml nước ép nhàu trong vòng 1 tháng có thể giảm 45% mức độ hóa chất có khả năng gây ung thư ở người hút thuốc lá.
3.2. Quả nhàu giúp cải thiện sức khỏe tim mạch
- Uống nước ép nhàu liên tục trong vòng 1 tháng có thể làm giảm mức cholesterol LDL và ngăn chặn phản ứng viêm trong cơ thể. Vì vậy sử dụng quả nhàu trong thời gian dài có thể bảo vệ sức khỏe tim mạch và ngăn ngừa các bệnh lý nguy hiêm như huyết áp cao, thiếu máu cơ tim,…
- Ngoài ra ở những trường hợp có mức cholesterol cao do hút thuốc lá, sử dụng 188ml nước ép nhàu trong vòng 30 ngày có thể làm giảm mức cholesterol đáng kể. Hơn nữa các chất chống oxy hóa còn có tác dụng loại trừ các gốc tự do, bảo vệ thành mạch và hoạt động của cơ tim.
3.3. Trái nhàu giúp làm giảm cơn đau ở bệnh viêm khớp mãn tính
- Quả nhàu thường được dân gian sử dụng để giảm đau nhức xương khớp. Hiện nay tác dụng giảm đau của loại quả này đã được công nhận trên phương diện khoa học.
- Nghiên cứu kéo dài 30 ngày được thực hiện trên những bệnh nhân bị thoái hóa khớp cột sống cho thấy, uống 15ml nước ép nhàu/ 2 lần/ ngày có thể giảm 60% cơn đau phát sinh.
- Hơn nữa, nghiên cứu này cũng được thực hiện ở bệnh nhân viêm xương khớp mãn tính và nhận thấy các kết quả tích cực. Bệnh nhân viêm xương khớp mãn tính sử dụng 89ml nước ép nhàu/ ngày liên tục trong vòng 90 ngày có thể làm giảm tần suất và mức độ cơn đau đáng kể.
- Các chuyên gia cho biết, tác dụng giảm đau của quả nhàu có liên quan đến hoạt động chống viêm và ngăn chặn các gốc tự do.
3.4. Uống nước ép nhàu thường xuyên giúp tăng cường miễn dịch
- Với hàm lượng vitamin C dồi dào, quả nhàu có tác dụng tăng cường hoạt động của hệ miễn dịch, tiêu trừ gốc tự do và đào thải các độc tố tích tụ bên trong cơ thể.
- Ngoài ra một số chất chống oxy hóa khác từ quả nhàu như vitamin E, beta-carotene cũng có tác dụng tăng cường sức đề kháng, chống lão hóa và bảo vệ sức khỏe.
3.5. Quả nhàu có tác dụng hạ huyết áp
- Do chứa hàm lượng kali nên hiện nay quả nhàu còn được sử dụng để điều trị tăng huyết áp. Natri là nguyên tố vi lượng làm co mạch máu và khiến huyết áp tăng cao. Trong khi đó, kali có tác dụng làm giãn mạch và điều hòa huyết áp.
- Tuy nhiên trái nhàu chứa hàm lượng kali lớn vì vậy cần tránh sử dụng quá nhiều, đồng thời không nên dùng đồng thời với các loại thuốc điều trị huyết áp cao. Sử dụng kết hợp nhóm thuốc này với nước ép nhàu có thể gây hạ huyết áp đột ngột.
- Hiện nay nhiều tài liệu ghi chép quả nhàu có tác dụng hỗ trợ điều trị ung thư, trào ngược dạ dày thực quản, viêm loét dạ dày tá tràng, hen suyễn, viêm phế quản mãn tính và các bệnh lý tự miễn như viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ,… Tuy nhiên các nghiên cứu này chỉ mới dừng lại ở mức sơ bộ và cần tìm hiểu thêm trước khi đưa ra kết luận chính thức.
4. CÁC BÀI THUỐC TỪ TRÁI NHÀU:
Theo Đông Y, quả nhàu có vị đắng, hăng nồng, tác dụng điều kinh, nhuận tràng, được sử dụng để chữa bệnh lỵ, băng huyết, ho cảm, bạch đới, tiểu đường,…
Dưới đây là một số bài thuốc chữa bệnh từ quả nhàu:
- Bài thuốc trị đau lưng, nhức mỏi tay chân và cơ thể: Đem quả nhàu non cắt mỏng, sao khô. Sau đó dùng 300g dược liệu ngâm với 1 lít rượu 30 – 40 độ trong 14 ngày. Mỗi lần dùng 30 – 40ml, ngày uống 2 lần để giảm đau nhức.
- Bài thuốc chữa rối loạn kinh nguyệt ở người cao huyết áp: Dùng hương phụ (tẩm giấm sao) 20g, quả nhàu 20g, cam thảo dây 6g, ích mẫu 20g. Cho vào nồi sắc, ngày dùng 1 thang. Chia nước sắc thành 2 – 3 lần uống/ ngày.
- Bài thuốc chữa chứng táo bón ở người cao huyết áp: Ăn quả nhàu tươi với 1 ít muối. Ăn vài lần là có thể đại tiện như bình thường.
- Bài thuốc chữa kiết lỵ: Lấy khoảng 4 – 5g quả nhàu già, đem nướng chín và ăn vài lần trong ngày.
- Bài thuốc trị bầm tím do té ngã, chấn thương: Chuẩn bị quả nhàu non 12g đem nướng chín, phơi khô rồi sắc uống 3 lần/ ngày. Nên dùng bài thuốc trước khi ăn và dùng 5 – 10 thang cho đến khi hết đau nhức.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo bài viết Cây nhàu để biết thêm bài thuốc từ lá, rễ và thân từ thảo dược này.
Những lưu ý khi sử dụng trái nhàu
- Bệnh nhân suy gan, suy thận, tăng kali huyết hoặc viêm thận mãn tính nên tránh uống nước ép nhàu quá nhiều.
- Không sử dụng nước ép nhàu với thuốc làm chậm quá trình đông máu, thuốc lợi tiểu giữ kali và thuốc điều trị cao huyết áp.
- Chống chỉ định nước ép nhàu với người có huyết áp thấp.
- Nếu mắc bệnh tiểu đường loại 2, gan nhiễm mỡ không do rượu, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng nước ép nhàu.
- Nước ép nhàu có thể gây độc cho gan, vì vậy tránh sử dụng với những loại thuốc ảnh hưởng đến chức năng gan như Acetaminophen, Carbamazepine, Issoniazid, Amiodarone, Erythromycin, Phenytoin, Methyldopa,…
Trích nguồn:
https://trungtamthuocdantoc.com/cong-dung-cua-trai-nhau.html
https://hellobacsi.com/an-uong-lanh-manh/thong-tin-dinh-duong/tac-dung-cua-nuoc-trai-nhau/