TS. Girish Parmar, bác sĩ thuộc Bệnh viện chuyên khoa Nanavati Max Super (Ấn Độ) cho biết, nếu bạn đang mắc các bệnh mạn tính như tiểu đường, điều quan trọng là bạn phải tìm cách kết hợp tập thể dục vào lối sống của mình. Trong đó, việc tạo thói quen đi bộ sẽ giúp người bệnh có thể kiểm soát hiệu quả lượng đường trong máu và nâng cao sức khỏe.
Kiểm soát lượng đường trong máu
Đi bộ thường xuyên giúp bạn giảm lượng đường trong máu bằng cách tăng cường độ nhạy insulin, cho phép tế bào sử dụng glucose một cách hiệu quả. Điều này làm giảm nhu cầu sản xuất insulin dư thừa và hỗ trợ kiểm soát bệnh tiểu đường.
Quản lý cân nặng
Đi bộ góp phần giảm cân hoặc duy trì cân nặng, giảm mỡ thừa trong cơ thể. Điều này giúp cải thiện việc kiểm soát lượng đường trong máu và giảm nguy cơ biến chứng liên quan đến béo phì ở bệnh tiểu đường.
Cải thiện sức khỏe tim mạch
Được biết, bất kỳ hình thức hoạt động thể chất nào cũng giúp cải thiện sức khỏe tim mạch và còn có nhiều lợi ích khác cho cả cơ thể và tinh thần, thể chất.
TS. Girish Parmar cho biết: “Đi bộ giúp giảm huyết áp, từ đó tăng cường sức khỏe tim mạch bằng cách cải thiện mức cholesterol và hạn chế nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, một biến chứng phổ biến của bệnh tiểu đường”.
Tăng cường tuần hoàn
Đi bộ kích thích lưu lượng máu, thúc đẩy quá trình lưu thông tốt hơn, điều này rất quan trọng đối với những người mắc bệnh tiểu đường vì họ có thể bị giảm lưu thông máu do căn bệnh này.
Giảm căng thẳng
Bất kỳ hình thức hoạt động thể chất nào như đi bộ đều có thể hỗ trợ giảm căng thẳng bằng cách giải phóng nội tiết tố endorphin, giúp giữ tâm trạng ổn định và có khả năng làm giảm mức cortisol, có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu.
Tăng mức năng lượng
Mắc một căn bệnh như tiểu đường có thể làm giảm mức năng lượng của bạn, khiến bạn luôn cảm thấy mệt mỏi. Sự biến động về lượng đường trong máu cũng có tác động xấu đến năng lượng của cơ thể. Đi bộ thường xuyên có thể nâng cao mức năng lượng tổng thể và chống lại sự mệt mỏi thường liên quan đến bệnh tiểu đường.
Cải thiện độ nhạy insulin
TS. Girish Parmar cũng cho biết, đi bộ thường xuyên sẽ làm tăng độ nhạy cảm của cơ thể với insulin, tăng khả năng hấp thụ glucose của tế bào, cuối cùng dẫn đến cải thiện việc kiểm soát bệnh tiểu đường.
Nâng cao sức mạnh của khớp
Đi bộ hỗ trợ sức khỏe khớp bằng cách cải thiện tính linh hoạt trong vận động. Điều này có lợi cho những người mắc bệnh tiểu đường, bởi họ là những người dễ mắc các vấn đề về khớp.
Lưu ý
Theo Hiệp hội đái tháo đường Hoa kỳ (ADA), đi bộ ít nhất 30 phút mỗi ngày hoặc 10.000 bước mỗi ngày nên là thói quen đối với bất kỳ ai đang gặp vấn đề về lượng đường trong máu. Nhưng nó có thể khác nhau ở mỗi người, tùy thuộc vào độ tuổi và sức chịu đựng.
Nguồn: Theo Healthshots
https://laodong.vn/