Cẩm nang sức khoẻ, Đường huyết

DẤU HIỆU Ở CHÂN CẢNH BÁO BỆNH TIỂU ĐƯỜNG

Người bệnh tiểu đường dễ khô da chân, xuất hiện mụn nước, vết thương lâu lành hoặc bị tê chân.

Tiểu đường là bệnh mạn tính, đặc trưng bởi đường huyết cao, có thể dẫn đến các tình trạng sức khỏe khác. Trong đó, biến chứng tiểu đường ở chân rất phổ biến. Dưới đây là các dấu hiệu nhận biết.

Rối loạn thăng bằng

Bệnh tiểu đường làm tổn thương các dây thần kinh và mạch máu của tai, ảnh hưởng đến khả năng giữ thăng bằng. Lượng đường trong máu cao cũng có thể dẫn đến mất nước, góp phần gây chóng mặt.

Mụn nước

Người bệnh tiểu đường có thể xuất hiện các mụn nước ở chân. Không giống như các mụn nước phát triển sau khi bị bỏng, những mụn nước này không đau nhưng khi vỡ ra tạo điều kiện để vi khuẩn xâm nhập, gây nhiễm trùng.

Mất cảm giác

Lượng đường trong máu cao có thể làm hỏng mạch máu, dẫn đến tuần hoàn kém ở chân và các triệu chứng bao gồm ngứa ran, tê, cảm giác nóng rát, mất cảm giác. Người bệnh thường khó phát hiện vết thương hoặc vết loét ở bàn chân.

Ngứa

Khi đường huyết tăng, cơ thể mất nước và giảm tưới máu nuôi dưỡng da. Các dây thần kinh bị tổn thương cũng góp phần khiến quá trình bài tiết mồ hôi ở da rối loạn, gây khô, ngứa, trong đó vùng da ở chân là nơi dễ ảnh hưởng nhất.

Ngứa có thể là dấu hiệu của bệnh tiểu đường. Ảnh: Freepik

Ngứa có thể là dấu hiệu của bệnh tiểu đường

Đau chân

Nồng độ đường huyết trong cơ thể tăng quá cao gây tổn thương ở xương và các dây thần kinh khiến người bệnh đau ở chân. Triệu chứng thường gặp gồm chuột rút ở chân, đau nhức, không thể leo cầu thang và không giữ được dép khi di chuyển.

Vết thương không lành

Thông thường, vết thương tự lành sau 2-3 ngày. Tuy nhiên, lượng đường trong máu cao dễ khiến lượng lớn vi khuẩn sinh sản liên tục làm vết thương khó lành. Bàn chân có thể lở loét, đau rát dẫn đến hoại tử.

Da dày sừng

Người bệnh tiểu đường có thể xuất hiện tình trạng da dày lên, có sáp hoặc phù nề. Nguyên nhân do phản ứng của glucose (đường) với protein trong da, khiến mức glycation tăng dẫn đến lão hóa da và trầm trọng thêm các tình trạng như mụn trứng cá.

Hội chứng chân không yên

Lượng đường trong máu cao không được kiểm soát ở người bệnh tiểu đường có thể làm tổn thương thần kinh. Dây thần kinh ở bàn chân và cẳng chân bị ảnh hưởng có thể khiến chân không yên (hội chứng chân không yên).

Theo Trường Đại học Khoa học Y tế Kermanshah (Iran), người bệnh tiểu đường có nguy cơ mắc chứng chân không yên khoảng 18-29%, so với 6-7% ở nhóm đối chứng. Nghiên cứu công bố năm 2014 với 140 người tham gia.

Theo Times of India, WebMD