Dùng quá nhiều mì ăn liền khiến lượng natri cao, nhiều carbohydrate, dễ làm tăng huyết áp và lượng đường trong máu.
Mì ăn liền thông dụng bởi dễ chế biến, nhanh, gọn. Song, người tiểu đường ăn quá nhiều món này có thể ảnh hưởng đến một số vấn đề sức khỏe như huyết áp cao, bệnh tim và hội chứng chuyển hóa.
Ít chất xơ và protein
Một gói mì ăn liền chứa ít chất xơ và protein. Protein được chứng minh có tác dụng làm tăng cảm giác no và giảm đói. Ăn mì khiến nhanh đói hơn, dẫn đến ăn nhiều và gây khó khăn trong kiểm soát cân nặng.
Mặt khác, chất xơ di chuyển chậm qua đường tiêu hóa, thúc đẩy cảm giác no. Mì ăn liền chứa ít chất xơ lại nhiều carbohydrate. Người lạm dụng món này dễ bị tăng đường huyết sau ăn, tăng cân, nhất là vòng eo.
Giá trị dinh dưỡng thấp
Mì ăn liền có khoảng 188 calo, ít cung cấp chất dinh dưỡng thiết yếu như vitamin, khoáng chất, protein và chất xơ cho cơ thể. Thay vào đó, lượng calo chủ yếu từ carbs tinh chế và chất béo không lành mạnh dễ dẫn đến tăng cân, thiếu hụt chất dinh dưỡng khi ăn quá nhiều. Béo phì, thừa cân là yếu tố tác động đến đường huyết, tăng nguy cơ biến chứng do tiểu đường.
Chứa monosodium glutamate (MSG)
Monosodium glutamate (MSG) là chất phụ gia phổ biến trong các loại mì ăn liền, được sử dụng để tăng hương vị. Chất phụ gia này có liên quan đến tăng cân, đau đầu, buồn nôn và cao huyết áp, không có lợi cho người tiểu đường.
Hàm lượng natri cao
Một gói mì ăn liền có thể chứa hơn một nửa lượng natri khuyến nghị hàng ngày. Lượng natri nạp vào quá nhiều có thể gây ra một loạt các vấn đề sức khỏe, bao gồm tăng huyết áp (huyết áp cao), bệnh tim, đột quỵ, tăng đường huyết, mức cholesterol bất thường, rối loạn chuyển hóa.
Người bệnh huyết áp cao dùng mì ăn liền thường xuyên có thể làm trầm trọng thêm các tình trạng này và dẫn đến các biến chứng tim mạch nghiêm trọng. Cao huyết áp gây tổn thương các tế bào beta của tuyến tụy, khiến tuyến tụy sản xuất ít insulin hơn, từ đó dẫn đến kháng insulin, ảnh hưởng tiêu cực đến bệnh tiểu đường.
Chứa nhiều chất béo xấu
Mì ăn liền thường được chiên trong dầu cọ hoặc các loại dầu khác trong quá trình sản xuất. Do đó, hàm lượng chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa cao, có thể làm tăng mức cholesterol LDL (xấu), giảm cholesterol HDL (tốt), không có lợi cho tim mạch.
Người tiểu đường tránh lạm dụng mì ăn liền, chỉ nên dùng 1-2 bữa một tháng. Lưu ý thêm nhiều rau như bông cải xanh, cà rốt hoặc ớt chuông nhằm tăng lượng dinh dưỡng thiết yếu như chất xơ, vitamin và khoáng chất. Kết hợp protein từ trứng nấu chín, thịt gà xé nhỏ hoặc đậu phụ góp phần tăng cảm giác no. Tránh hoặc sử dụng các gói gia vị đi kèm, thay vào đó nên tăng lượng rau mùi để bổ sung chất chống oxy hóa.
Theo Healthline, Healthshots