An thần, Cẩm nang sức khoẻ

Ngủ sâu là gì? Lợi ích của giấc ngủ sâu?

Ngủ sâu là gì?

Ngủ sâu là giai đoạn thứ ba của giấc ngủ không chuyển động mắt nhanh (Non-REM). Sóng não ở mức chậm nhất khi ngủ sâu giấc. Lúc này, hoạt động điện trong não xuất hiện dưới dạng sóng dài và chậm gọi là sóng delta. Các sóng này có tần số từ 0,5 – 2 Hz và chúng thường phải chiếm tối thiểu 6 giây trong một khoảng thời gian nhất định 30 giây thì giấc ngủ đó mới được xem là giấc ngủ sâu. Lúc này, hơi thở và nhịp tim cũng sẽ chậm lại.

Giấc ngủ được chia thành hai giai đoạn chính bao gồm: Giấc ngủ không chuyển động mắt nhanh (Non-REM) và giấc ngủ chuyển động mắt nhanh (REM). Như đã nói, giấc ngủ sâu thuộc giấc ngủ không chuyển động mắt nhanh. Vậy lợi ích của giấc ngủ sâu đối với sức khỏe là gì?

Lợi ích của giấc ngủ sâu đối với sức khỏe

Một số lợi ích mà giấc ngủ sâu mang đến cho sức khỏe bao gồm:

1. Cải thiện, tăng cường trí nhớ

Khi con người ngủ, não bộ vẫn tiếp tục làm việc và sẽ hoạt động tốt hơn khi giấc ngủ sâu, giúp làm gia tăng trí nhớ, rèn luyện các kỹ năng đã học được trong lúc thức.

2. Gia tăng tuổi thọ

Giấc ngủ cũng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Nếu bạn ngủ ngon, đầu óc và tinh thần sẽ minh mẫn, tỉnh táo hơn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, tăng hiệu suất công việc, học tập. Tuy nhiên, cần tránh việc ngủ quá ít hoặc quá nhiều vì có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, làm tuổi thọ suy giảm.

3. Giảm các chứng viêm

Các chứng viêm thường có liên quan đến bệnh viêm khớp, tiểu đường, đột quỵ, tim mạch, lão hóa sớm. Với người ngủ ít hơn 5 tiếng mỗi đêm, trong máu sẽ xuất hiện protein gây viêm nhiễm và C-reactive protein (protein có liên quan đến nguy cơ dẫn đến chứng nhồi máu cơ tim). Vì vậy, việc ngủ sâu giấc sẽ góp phần làm giảm các chứng viêm.

4. Rèn luyện sự tập trung

Thiếu ngủ có thể dẫn đến tình trạng thiếu tập trung ở mọi độ tuổi, đặc biệt là với trẻ em. Trẻ em từ 7 – 8 tuổi nếu ngủ ít hơn 8 tiếng mỗi đêm có thể bị hiếu động bất thường, khó kiểm soát cảm xúc của bản thân, thiếu sự tập trung. Ngủ sâu giấc hàng đêm là cách hiệu quả để rèn luyện sự tập trung không chỉ ở người lớn mà còn ở cả trẻ em.

5. Xây dựng cơ bắp, phát triển xương

Một giấc ngủ sâu giúp cơ bắp và xương phát triển tốt hơn, ổn định quá trình tăng trưởng nhờ sự tái tạo các mô, tăng cường hệ miễn dịch, kích thích tuyến yên tiết ra những hormone quan trọng.

6. Giải tỏa stress

Giấc ngủ và sự căng thẳng có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, đều ảnh hưởng đến sự tuần hoàn máu của cơ thể. Ngủ sâu giấc giúp bạn làm giảm sự căng thẳng, qua đó có thể góp phần kiểm soát được những bệnh lý như tăng huyết áp, bệnh tim mạch.

7. Hạn chế nguy cơ gặp tai nạn khi lái xe

Buồn ngủ do ngủ không sâu giấc, thiếu ngủ là lý do gây tai nạn giao thông chiếm tỷ lệ cao nhất. Việc ngủ sâu giấc giúp mỗi người có sự tỉnh táo, tập trung tốt khi điều khiển phương tiện giao thông, hạn chế nguy cơ xảy ra tai nạn.

8. Ngăn ngừa bệnh trầm cảm

Thiếu ngủ, ngủ không sâu giấc có thể dẫn đến tình trạng trầm cảm. Một giấc ngủ sâu, chất lượng giúp bạn làm giảm sự căng thẳng, lo âu, kiểm soát cảm xúc tốt hơn.

9. Khơi dậy sự sáng tạo

Khi bạn ngủ sâu giấc, não bộ sẽ hoạt động tốt hơn, chúng sẽ sắp xếp lại, tái cấu trúc trí nhớ cũng như gia tăng trí tưởng tượng và khả năng sáng tạo. Khi ngủ, chức năng của trí nhớ được kích thích mạnh, nhờ đó thúc đẩy năng lực sáng tạo tích cực.

10. Cải thiện thành tích học tập và chất lượng công việc

Trẻ từ 10 – 16 tuổi gặp vấn đề về rối loạn giấc ngủ, bao gồm khó thở khi ngủ, ngáy to, … có khả năng ảnh hưởng đến việc học. Ngủ không sâu giấc hoặc ngủ không đủ là một trong những nguyên nhân khiến chất lượng công việc, hiệu suất học tập bị giảm sút. Thế nên, việc có giấc ngủ sâu, đầy đủ góp phần giúp bạn cải thiện thành tích học tập và chất lượng công việc.

Nguồn: tamanhhospital.vn