Cẩm nang sức khoẻ, Đường huyết

Người tiểu đường mắc cúm cần chăm sóc thế nào?

Người bệnh tiểu đường bị cúm nên kiểm tra đường huyết thường xuyên, ăn uống đầy đủ và uống thuốc điều trị đúng chỉ định của bác sĩ.

Tiểu đường là bệnh mạn tính ảnh hưởng đến khả năng cơ thể chuyển hóa thức ăn thành năng lượng, đặc trưng bởi tình trạng đường huyết cao mạn tính. Bệnh được chia thành tiểu đường type 1, tiểu đường type 2, tiểu đường thai kỳ (tiểu đường khi đang mang thai).

BS.CKI Đoàn Minh Yên Hà, đơn vị Nội tiết, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết người tiểu đường có chỉ số đường huyết không ổn định, khi mắc cúm có thể dẫn đến các biến chứng như viêm phổi, viêm phế quản, nhiễm trùng xoang, nhiễm trùng tai… Ngược lại, bệnh cúm khiến người bệnh tiểu đường khó kiểm soát đường huyết hơn, do virus làm tăng phản ứng viêm. Một số người bệnh cúm bị chán ăn, bỏ ăn có thể dẫn đến hạ đường huyết.

Người bệnh tiểu đường khi có các triệu chứng cúm cần khám và điều trị sớm, tránh diễn tiến nặng. Tùy vào tình trạng và virus gây bệnh mà bác sĩ điều trị phù hợp như điều trị nâng đỡ tổng trạng, điều trị triệu chứng và sử dụng thuốc kháng virus cúm, ngăn chặn virus sản sinh thêm trong cơ thể.

Bác sĩ Hà lưu ý người bệnh cần sử dụng thuốc đúng chỉ định, không tự ý mua thuốc vì dễ làm tăng nguy cơ kháng thuốc. Người bệnh kiểm tra đường huyết thường xuyên, ăn uống đầy đủ, uống thuốc đúng giờ, hạn chế đi ngoài trời nắng gắt hay trời mưa, giữ ấm cơ thể… Người có các dấu hiệu tiến triển nặng hơn cần tới bệnh viện để được chăm sóc.

Kết quả đo đường huyết cho người bệnh tiểu đường tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Để phòng bệnh cúm, người tiểu đường nên tăng cường sức khỏe bằng cách tập thể dục, ăn uống điều độ, ngủ đủ giấc, giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ. Thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi và họng hàng ngày, hạn chế tiếp xúc với người bị cúm, đeo khẩu trang y tế khi đến nơi đông người…

Triệu chứng bệnh cúm phổ biến như sốt, ho, đau họng, nghẹt mũi, đau nhức cơ thể, đau đầu, ớn lạnh, mệt mỏi… Một số trường hợp có thể bị nôn mửa và tiêu chảy. Bệnh cúm diễn tiến nặng khiến người bệnh khó thở, đau ngực, đau cơ khiến khó đi lại, mất nước, động kinh, sốt trên 40 độ C dù đã uống thuốc hạ sốt… Trường hợp này cần cấp cứu khẩn cấp.

Bác sĩ Hà khuyến cáo người bệnh tiểu đường nên tiêm vaccine cúm hàng năm để phòng bệnh, ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng. Người bị tiểu đường lâu năm, kiểm soát đường huyết không tốt, người lớn tuổi có sức đề kháng yếu nên tiêm cúm nhắc lại mỗi năm để bảo vệ cơ thể chống lại các loại virus cúm mới nhất.

Nguồn: https://vnexpress.net/nguoi-tieu-duong-mac-cum-can-cham-soc-the-nao-4798887.html