Cẩm nang sức khoẻ, Đường huyết

TỔNG QUAN VỀ BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

  1. Bệnh đái tháo đường là gì?

Đái tháo đường hay còn gọi là tiểu đường là một bệnh chuyển hoá mãn tính, đặc trưng bởi lượng đường trong máu (đường huyết) tăng cao, theo thời gian, dần dần sẽ dẫn đến tổn thương nghiệm trọng ở tim, thận, mạch máu, mắt và dây thần kinh.

Có nhiều phân loại cho tiểu đường. Nhưng trong đó phổ biến nhất là tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2. Trong 3 thập kỷ qua, tỷ lệ mắc tiểu đường tiểu đường tuýp 2 đã tăng lên đáng kể.

Đến nay, có khoảng 422 triệu người trên toàn thế giới mắc bệnh tiểu đường, phần lớn sống ở các nước thu nhập thấp và trung bình, và 1,5 triệu ca tử vong trực tiếp do bệnh tiểu đường mỗi năm.

Dự tính đến năm 2045, số người bị tiểu đường ở Việt Nam sẽ tăng 78,5% tương đương gần 6,3 triệu người, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore tăng ít hơn là từ 37-48%. Trong khi tại Nhật Bản, số người mắc bệnh tiểu đường lại giảm khoảng 10%.

WHO – tổ chức y tế thế giới có một mục tiêu được thống nhất trên toàn cầu nhằm ngăn chặn sự gia tăng bệnh tiểu đường và béo phì vào năm 2025.

  1. Quá trình hình thành bệnh lý tiểu đường:

Trong quá trình tiêu hóa, thức ăn được chia thành các thành phần cơ bản. Carbohydrate được phân hủy thành đường đơn, chủ yếu là glucose. Glucose là nguồn năng lượng cực kỳ quan trọng cho các tế bào của cơ thể. Để cung cấp năng lượng cho tế bào, glucose cần phải rời khỏi máu và đi vào bên trong tế bào.

Trong cơ thể, tuyến tuỵ đóng vai trò sản xuất ra một loại hormone gọi là insulin, hormone này rất cần thiết để giúp glucose đi vào tế bào của cơ thể. Ở người không mắc bệnh tiểu đường, tuyến tụy sản xuất nhiều insulin hơn bất cứ khi nào lượng glucose trong máu tăng lên (ví dụ: sau bữa ăn) và insulin sẽ báo hiệu cho các tế bào của cơ thể hấp thụ glucose. Trong bệnh tiểu đường, khả năng sản xuất insulin của tuyến tụy hoặc phản ứng của tế bào với insulin bị thay đổi.

  1. Phân loại tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2:

  • Bệnh tiểu đường tuýp 1 là một bệnh tự miễn. Điều này có nghĩa là nó bắt đầu khi hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công nhầm vào các tế bào khác trong cơ thể. Trong bệnh tiểu đường loại 1, hệ thống miễn dịch sẽ phá hủy các tế bào sản xuất insulin (tế bào beta) trong tuyến tụy. Điều này khiến người bệnh có ít hoặc không có insulin trong cơ thể. Không có hoặc thiếu insulin, glucose sẽ tích tụ trong máu thay vì đi vào tế bào. Kết quả là cơ thể không thể sử dụng lượng glucose này để tạo năng lượng và lượng glucose này tích tụ lại ở trong máu. Ngoài ra, lượng đường trong máu cao còn gây ra tình trạng đi tiểu nhiều, mất nước và làm tổn thương các mô của cơ thể.

 

  • Bệnh tiểu đường loại 2 xảy ra khi các tế bào của cơ thể trở nên kém phản ứng hơn trước nỗ lực của insulin để đưa glucose vào tế bào, một tình trạng gọi là kháng insulin. Kết quả là glucose bắt đầu tích tụ trong máu. Ở những người bị kháng insulin, tuyến tụy “thấy” mức đường huyết tăng lên. Tuyến tụy phản ứng bằng cách tạo thêm insulin để cố gắng đưa glucose vào tế bào. Lúc đầu, cách này có hiệu quả nhưng theo thời gian, tình trạng kháng insulin của cơ thể ngày càng trầm trọng hơn. Để đáp lại, tuyến tụy tạo ra ngày càng nhiều insulin. Cuối cùng, tuyến tụy bị “cạn kiệt”. Nó không thể theo kịp nhu cầu ngày càng nhiều insulin. Kết quả là lượng đường trong máu tăng lên và duy trì ở mức cao.

 

Bệnh tiểu đường loại 2 còn được gọi là bệnh tiểu đường khởi phát ở người trưởng thành. Đó là bởi vì nó hầu như luôn bắt đầu ở tuổi trung niên hoặc cuối tuổi trưởng thành. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều trẻ em và thanh thiếu niên mắc phải tình trạng này.

Bệnh tiểu đường loại 2 phổ biến hơn nhiều so với bệnh tiểu đường loại 1. Nó có xu hướng di truyền trong gia đình. Béo phì cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2. Đây thực sự là một căn bệnh khác với bệnh tiểu đường loại 1, mặc dù cả hai loại đều có mức đường huyết cao và nguy cơ biến chứng liên quan đến nó.

 

  • Một loại bệnh tiểu đường khác, được gọi là tiểu đường thai kỳ, xảy ra ở những phụ nữ có lượng đường trong máu cao hơn mong đợi khi mang thai. Một khi nó xảy ra, nó sẽ kéo dài trong suốt thời gian còn lại của thai kỳ. Giống như các loại bệnh tiểu đường khác, bệnh tiểu đường thai kỳ xảy ra khi hormone insulin không thể vận chuyển đường (glucose) vào tế bào của cơ thể một cách hiệu quả để sử dụng làm nhiên liệu. Trong bệnh tiểu đường thai kỳ, cơ thể không phản ứng tốt với insulin, trừ khi insulin có thể được sản xuất hoặc cung cấp với số lượng lớn hơn. Ở hầu hết phụ nữ, chứng rối loạn này sẽ biến mất khi thai kỳ kết thúc, nhưng những phụ nữ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 sau này.
  1. Triệu chứng:

Bệnh tiểu đường ban đầu có thể không gây ra bất kì triệu chứng nào. Đôi khi nó được phát hiện sớm bằng xét nghiệm máu định kỳ trước khi một người xuất hiện các triệu chứng.

Khi bệnh tiểu đường gây ra các triệu chứng, chúng có thể bao gồm:

  • Đi tiểu nhiều
  • Khát nước quá mức, dẫn đến uống nhiều nước
  • Giảm cân
  • Mệt mỏi
  • Nhìn mờ
  • Chậm lành các vết thương
  • Những người mắc bệnh tiểu đường cũng dễ bị nhiễm trùng hơn, đặc biệt là nhiễm trùng nấm men (candida)

Bệnh tiểu đường lâu dài, có thể có các biến chứng khác, bao gồm:

  • Xơ vữa động mạch: là sự tích tụ chất béo trong thành động mạch. Điều này làm giảm lưu lượng máu đến tất cả các bộ phận của cơ thể. Trong đó, tim, não, và chân bị ảnh hưởng thường xuyên nhất.
  • Bệnh võng mạc: các mạch máu trong võng mạc có thể bị tổn thương do lượng đường trong máu cao. Bệnh võng mạc đái tháo đường nếu không được điều trị có thể dẫn đến mù loà.
  • Đục thuỷ tinh thể, tăng nhãn áp
  • Bệnh lý thần kinh: phổ biến nhất là tổn thương thần kinh ngoại biên, ảnh hưởng đến dây thần kinh ở bàn chân và bàn tay.
  • Bệnh thận: dễ gây tổn thương thận nếu lượng đường trong máu liên tục ở mức cao.
  • Nguy cơ tăng đột quỵ
  1. Chẩn đoán bệnh lý tiểu đường:

Hiệp Hội Đái tháo đường Mỹ – ADA đưa ra việc chẩn đoán bệnh đái tháo đường dựa vào 1 trong 4 tiêu chuẩn sau đây:

  • Glucose huyết tương lúc đói:người bệnh cần nhịn ăn để đo cho chính xác. Tuyệt đối không uống nước ngọt, có thể uống nước lọc, nước đun sôi để nguội. Thời gian nhịn đói trước đó phải ít nhất 8 giờ (thường phải nhịn đói qua đêm từ 8 -14 giờ). Nếu như kết quả cho thấy chỉ số đường huyết lúc đói khoảng giữa từ 80 đến 130 mg/dL (4,4 và 7,2 mmol/L)vlà bình thường.
  • Glucose huyết tương sau khi ăn(1 – 2 giờ) phải dưới 180 mg/dL (10 mmol/L).
  • Xét nghiệm HbA1c≥ 6,5% (48 mmol/mol) thì có thể đã bị bệnh. Xét nghiệm này phải được thực hiện ở bệnh viện và do nhân viên y tế thực hiện mới chính xác.
  • Nếu người bệnh có triệu chứng kinh điển của tăng glucose huyết huyết(bao gồm tiểu nhiều, uống nhiều, ăn nhiều, sụt cân không rõ nguyên nhân) hoặc mức glucose huyết tương ở thời điểm bất kỳ ≥ 200 mg/dL (hay 11,1 mmol/L) có thể đã mắc bệnh. Thời gian thực hiện xét nghiệm lần 2 sau lần thứ nhất có thể từ 1 – 7 ngày.

  1. Phương pháp điều trị bệnh lý tiểu đường:

  • Hiện nay có rất nhiều phương pháp điều trị bệnh tiểu đường. Trong đó, việc điều chỉnh chế độ ăn uống hàng ngày cùng với thiết lập chế độ thể dục thể thao hợp lý kết hợp theo dõi tình trạng bệnh lý thường xuyên là những việc làm quan trọng nhất mặc dù ở thể bệnh nào.
  • Ở thể tiểu đường tuýp 1, bệnh nhân được chỉ định dùng insulin trong suốt quãng đời còn lại vì cơ thể đã không còn khả năng tự sản xuất insulin.
  • Ở thể tiểu đường tuýp 2, nếu bệnh nhân không cải thiện được tình trạng tăng lượng đường trong máu bằng chế độ dinh dưỡng và tập luyện thể dục hàng ngày, bệnh nhân có thể sử dụng thuốc điều trị tiểu đường dạng uống hoặc tiêm để ổn định lượng đường trong máu.
  • Để bệnh không tiến triển nặng, bệnh nhân tiểu đường cần có kế hoạch theo dõi lượng carbohydrate, cũng như hạn chế sử dụng các loại thực phẩm chế biến sẵn, ít chất xơ; nên ăn nhiều rau xanh, các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp.

Cần lưu ý rằng, bệnh tiểu đường có thể thay đổi và tiến triển khác nhau ở từng thời gian, do đó bệnh cần được thăm khám, đánh giá chính xác tình trạng hiện tại để có kế hoạch điều trị thích hợp và hiệu quả. Do đó, bệnh nhân cần thăm khám định kỳ và tuân thủ đúng chỉ định điều trị của bác sĩ.

Ngoài ra, hiện nay có nhiều bài thuốc kết hợp từ thảo dược có nguồn gốc tự nhiên có thể giúp cân bằng đường huyết, giảm biến chứng tiểu đường.

Các cây thuốc thảo dược có nguồn gốc tự nhiên thường không gây ra tác dụng phụ nếu sử dụng đúng cách để hỗ trợ điều trị tiểu đường, giúp ổn định chỉ số đường huyết. Khi sử dụng các cây thuốc nam điều trị tiểu đường, quy trình điều trị cần được tuân thủ theo chỉ định, duy trì liều lượng hàng ngày. Kết quả có thể khác nhau tuỳ theo cơ địa của mỗi người.

Có thể kể đến một số loại thuốc thảo dược tự nhiên trị tiểu đường hiệu quả: dây thìa canh, mướp đắng, nấm linh chi, húng quế, diệp hạ châu, giảo cổ lam, mạch môn ,…

  1. Phòng ngừa bệnh tiểu đường:

  • Chế độ ăn uống hợp lý: nguyên tắc cơ bản trong chế độ ăn bệnh tiểu đường: đảm bảo cung cấp đủ chất dinh dưỡng, không làm tăng đường huyết nhiều sau ăn, không làm hạ đường huyết xa bữa ăn nhằm duy trì hoạt động thể lực bình thường và duy trì cân nặng hợp lý.
  • Vận động, luyện tập thể dục thể thao: việc vận động không chỉ giúp giảm chỉ số đường huyết, duy trì cân nặng ở mức ổn định mà còn giúp giảm nguy cơ bệnh tim mạch. Khuyến cao bệnh nhân tiểu đường tập thể dục thể thao ít nhất 5 ngày mỗi tuần với thời gian tập khoảng 30 phút mỗi ngày.