Cẩm nang sức khoẻ, Đường huyết

VÌ SAO BỊ TIỂU ĐƯỜNG VẾT THƯƠNG LÂU LÀNH?

Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thường gặp rất nhiều những vết thương từ nhỏ đến lớn, mức độ tổn thương có thể nhiều hoặc ít, có hoặc không có nhiễm trùng. Đa phần các vết thương nhỏ hay có bị nhiễm trùng nhẹ có thể tự khỏi hoặc đôi khi cần sử dụng kháng sinh để rút ngắn thời gian lành vết thương. Tuy nhiên, ở những bệnh nhân bị tiểu đường vết thương lâu lành hơn so với người bình thường. Vậy vì sao bị tiểu đường vết thương lâu lành? Đối với những vết thương ở người tiểu đường cần chăm sóc như thế nào?

Vì sao tiểu đường vết thương lâu lành?

Vết thương có thể hiểu đơn giản là một dạng tổn thương của cơ thể mà trong đó có sự gián đoạn của mô với 1 khoảng lớn hoặc nhỏ tùy theo nguyên nhân gây nên. Vết thương có thể là vết thương kín hoặc vết thương hở, có thể chỉ tổn thương ngoài da hoặc sâu vào niêm mạc, cơ xương khớp hay các cơ quan bộ phận khác. Tùy theo diện tích, số lượng và độ sâu của vết thương mà gây ảnh hưởng nhiều hay ít đến sức khỏe người bệnh.

Quá trình lành vết thương trải qua 3 giai đoạn: Giai đoạn cầm máu/ viêm, giai đoạn tăng sinh và giai đoạn tái tạo. Ở người bình thường, các vết thương nhỏ nông hay bị nhiễm trùng nhẹ có thể tự khỏi sau thời gian ngắn. Tuy nhiên với bệnh nhân tiểu đường, quá trình lành thương mất nhiều thời gian hơn, thậm chí tiểu đường vết thương không lành ngay cả khi chỉ là những nhiễm trùng nhẹ.

Để trả lời cho câu hỏi “tại sao bị tiểu đường vết thương lâu lành hơn người bình thường?”, các chuyên gia giải thích rằng:

  • Đối với bệnh nhân tiểu đường, lượng Glucose máu luôn cao hơn ngưỡng bình thường, điều này khiến cho khả năng nhận dinh dưỡng và oxy của tế bào bị suy giảm, đồng thời hạn chế chức năng của hệ thống miễn dịch, ức chế khả năng chống lại tác nhân gây bệnh (virus, vi khuẩn, nấm…) của cơ thể và tăng nguy cơ bị viêm cho bệnh nhân.
  • Một vài nghiên cứu đã chỉ ra rằng, bệnh nhân bị tiểu đường thường hay gặp vấn đề với hệ thống thần kinh cảm nhận vết thương hay cảm giác đau của cơ thể. Do đó làm giảm sự nhạy bén của hệ thần kinh, khiến cơ thể không nhận ra vết thương trên cơ thể, đặc biệt ở những giai đoạn đầu.
  • Sự lưu thông tuần hoàn mạch máu giảm làm giảm lượng máu đưa đến vết thương dẫn tới giảm khả năng nuôi dưỡng cũng như phục hồi vết thương, kéo dài thời gian lành thương, các phản ứng viêm cũng diễn ra trong thời gian dài hơn bình thường.
  • Không những thế, ở những người bệnh tiểu đường, cơ thể có thể sản xuất ra một số loại enzym, hormon gây ảnh hưởng xấu đến hệ miễn dịch để làm chậm quá trình lành vết thương.
  • Việc suy giảm chức năng hệ miễn dịch ở bệnh nhân tiểu đường cũng là một yếu tố thuận lợi để tăng nguy cơ nhiễm các loại vi khuẩn virus khác, làm nặng thêm tình trạng tổn thương, điều trị cũng khó khăn hơn.

Phân loại vết thương ở người bị tiểu đường

Một số điều cần lưu ý về vết thương ở bệnh nhân bị tiểu đường gồm:

  • Vết thương ở người bị tiểu đường có nguy cơ nhiễm trùng và bị loét cao hơn bình thường do có lượng đường trong máu cao tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sống và phát triển.
  • Nếu để vết thương bị loét thì việc điều trị sẽ trở lên rất khó khăn, mất nhiều thời gian cũng như công sức của cả đội ngũ y tế và người bệnh. Đã có rất nhiều bệnh nhân phải cắt cụt hay tháo khớp chân vì mức độ nhiễm trùng hay loét bàn chân quá nặng không thể duy trì điều trị được. Ở rất nhiều bệnh viện tuyến trung ương đã thành lập khoa chăm sóc riêng đối với bệnh nhân tiểu đường được gọi là chăm sóc bàn chân đái tháo đường.
  • Đa số các vết thương thường được phát hiện muộn, đến khi phát hiện có thể đã ở mức độ nghiêm trọng do đường huyết cao gây tổn thương thần kinh, làm giảm khả năng nhận biết các tổn thương của cơ thể.

Vì những lý do trên, vết thương ở người tiểu đường cần phải được chăm sóc đúng cách và đúng theo giai đoạn. Để thuận tiện cho việc chăm sóc cũng như điều trị, người ta phân mức độ tổn thương của vết thương ở người tiểu đường thành 4 độ khác nhau:

  • Độ 0: Vết thương chỉ nông trên bề mặt da, không có tổn thương loét.
  • Độ 1: Vết thương có loét nông nhưng chưa tổn thương đến các mô như dây chằng, bao khớp, cơ xương.
  • Độ 2: Tổn thương loét ăn sâu đến dây chằng hoặc bao khớp.
  • Độ 3: Vết loét đến xương khớp.

Nếu dựa theo mức độ nhiễm trùng, thiếu máu thì vết thương ở bệnh nhân bị tiểu đường được chia làm 4 giai đoạn:

  • Giai đoạn A: Vết thương còn sạch, chưa nhiễm trùng.
  • Giai đoạn B: vết thương đã bị nhiễm trùng.
  • Giai đoạn C: Vết thương bị thiếu máu.
  • Giai đoạn D: Vết thương bị nhiễm trùng và thiếu máu.

Nguồn: Trang thông tin sức khỏe bệnh viện Vinmec