Tê, ngứa ran hay sưng, chuột rút chân khi đi bộ có thể do vận động quá sức nhưng đôi khi là dấu hiệu cảnh báo bệnh tiểu đường.
Đi bộ là một trong những bài tập đơn giản nhất mà nhiều người có thể thực hiện hàng ngày. Đi dạo buổi sáng trong công viên, đi bộ mua sắm hay chỉ đơn giản là di chuyển quanh nhà đều là những cách để cơ thể vận động nhiều hơn.
Bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến lượng đường trong máu, tuần hoàn và sức khỏe thần kinh, có thể khiến cho các triệu chứng xuất hiện mờ nhạt khi đi bộ. Nhận biết những dấu hiệu giúp người bệnh kiểm soát sức khỏe tốt hơn.
Cảm giác tê, ngứa ran ở chân
Một trong những vấn đề thường gặp ở người bệnh tiểu đường là bệnh thần kinh ngoại biên. Bệnh tiểu đường có thể làm hỏng các mạch máu nhỏ cung cấp oxy cho các dây thần kinh, khiến chúng khó hoạt động bình thường hơn. Nếu không được kiểm soát, bệnh thần kinh ngoại biên trở nên trầm trọng hơn, dẫn đến mất cảm giác.
Người bệnh có thể bị ngứa ran, nóng rát hoặc cảm giác kim châm ở chân và bàn chân khi di chuyển. Lúc đầu, cảm giác này có thể nhẹ, dễ bị bỏ qua, nhưng theo thời gian, nó có thể tiến triển thành tình trạng tê liệt lan rộng.
Chuột rút chân khi đi bộ
Chuột rút khi đi bộ quãng đường ngắn có thể là dấu hiệu của bệnh động mạch ngoại biên do tiểu đường. Lượng đường trong máu cao dẫn đến động mạch bị hẹp và cứng lại, hạn chế lưu lượng máu đến chân và bàn chân. Lưu thông máu giảm này gây đau, chuột rút hoặc cảm giác nặng nề ở bắp chân, đùi, mông, nhất là trong lúc đi bộ.
Mệt mỏi bất thường
Mệt mỏi hoặc yếu sau khi đi bộ một đoạn ngắn có thể do thay đổi lượng đường trong máu. Cả tăng hay hạ đường huyết đều gây mệt mỏi thường xuyên. Dù đã nghỉ ngơi đầy đủ, tình trạng mệt mỏi sau đi bộ không rõ lý do, kéo dài cảnh báo cơ thể không kiểm soát lượng glucose hiệu quả. Đây cũng dấu hiệu của bệnh tiểu đường.
Sưng ở bàn chân, mắt cá chân
Bệnh tiểu đường có thể ảnh hưởng đến chức năng thận, dẫn đến cơ thể giữ nước, gây sưng ở mắt cá chân hay bàn chân. Đột ngột mang giày chật hơn hoặc chân trông sưng húp sau khi đi bộ cảnh báo cơ thể giữ nước quá mức. Kiểm tra bàn chân thường xuyên và đi giày thoải mái, vừa vặn để phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh tiểu đường.
Bệnh tiểu đường thường được kiểm soát tốt nếu phát hiện sớm. Kiểm tra sức khỏe định kỳ, duy trì chế độ ăn uống cân bằng, vận động thường xuyên và kiểm soát căng thẳng góp phần ngăn ngừa hoặc kiểm soát bệnh tiểu đường.
Nguồn: vnexpress.net