- Tên tiếng Việt: Cây Rau má, Tích tuyết thảo, Liên tiền thảo.
- Tên khoa học: Centella asiatica (L.) Urban
- Họ: Hoa tán (Apiaceae)
1. PHÂN BỐ:
Chi Centella L. có khoảng 40 loài, phân bố ở Nam và Đông Nam châu Á như Ấn Độ, Sri Lanka, Trung Quốc, Indonesia và Malaysia cũng như Nam Phi và Madagascar. Nó có nguồn gốc từ các vùng ấm hơn của cả hai bán cầu. Ở Việt Nam, rau má mọc tự nhiên ở khắp nơi, ưa ẩm. Loại cây này mọc hoang ở những nơi đất ẩm ướt, pha cát hoặc đất sét, thường mọc thành từng đám lớn tạo thành thảm xanh dày đặc hoặc như cỏ dại. Vì vậy rau má có thể được nhìn thấy phổ biến dọc theo bờ sông, suối, ao hồ và các cánh đồng tưới tiêu. Nó cũng mọc dọc theo các bức tường đá hoặc các khu vực đá khác.
2. ĐẶC ĐIỂM:
- Dạng sống cỏ bò, thân mọc thẳng, thân non màu tía nhạt, thân già màu tía đậm hơn, có lông trắng và khía dọc nhỏ; có nhiều mấu, mỗi mấu phát triển thành một cây. Rễ chùm, màu trắng vàng.
- Lá mọc so le, nhưng thường tụ hợp 2-5 lá ở một mấu; có cuống dài, phiến hình thận hay tròn, mép khía tai bèo. Gân lá kiểu chân vịt, 6-8 gân nổi rõ ở mặt dưới. Bẹ lá dài 7-14 mm, có gân dọc màu xanh, mặt trong màu trắng, mặt ngoài hơi tím.
- Cụm hoa tán đơn gồm 3 hoa mọc trên trục phát hoa hình trụ, dài 5-13 mm, màu xanh tím, đậm hơn ở gốc, có nhiều lông trắng mịn, mảnh. Tán có 2 lá bắc, màu xanh, có sọc tía, đậm hơn ở gốc lá, có lông mịn và tồn tại cùng quả. Hoa đều, lưỡng tính. Tràng hoa gồm 5 cánh hoa rời, đều, màu tím nhạt, hình trứng, đỉnh cong vào phía trong. Cánh hoa hình tam giác hoặc trái xoan. Nhị có chỉ nhị ngắn, bao phấn hình mắt chim; bầu hình cầu. Bộ nhụy gồm 2 lá noãn, bầu dưới 2 ô, dẹp, đáy hình tim, đầu bằng, màu đỏ tía, có nhiều lông trắng. Quả bế đôi, hình tim, đầu bằng, hai bên bị ép dẹp, dài 3,5-3,7 mm, rộng 3,5-4 mm, màu xanh phớt tía, có gân dọc màu hồng tía và lông mịn; cắt ngang gồm 2 phần quả có hình tam giác, mỗi phần quả có 10-12 cạnh lồi. Hạt màu trắng, hình bán nguyệt, đường kính 1,5-2 mm.
- Rau má chứa các hợp chất như saponin, beta – caroten, saccharide, kali, alkaloid, sterol, magiê, canxi, phốt pho, sắt, mangan và các loại vitamin như B1, B2, B3, K và C.
3. CÔNG DỤNG:
Theo y học cổ truyền: Rau má chữa sốt, đan độc, mụn nhọt, bệnh gan vàng da, thổ huyết, chảy máu cam, táo bón, tả lỵ, tiểu tiện rắt buốt, khí hư bạch đới, mất sữa, sắc với cây mào gà chữa vàng da. Cao rau má điều trị các vết thương nhiễm bẩn, điều trị bỏng.
Theo y học hiện đại:
Nhiều nghiên cứu đã cho thấy những lợi ích sức khỏe quan trọng như chữa lành vết thương, kháng khuẩn, tăng cường trí nhớ, chống oxy hóa và các hoạt động bảo vệ thần kinh.
- Đối với da: Một số nghiên cứu đã chứng minh dịch chiết từ rau má có tác dụng kích hoạt quá trình phân chia tế bào và thúc đẩy sự tổng hợp collagen của các mô liên kết, giúp hình thành tế bào da mới, hỗ trợ làm lành vết thương. Chính nhờ sự kích thích mau lên da non, rau má được ứng dụng trong ngành mỹ phẩm với mục đích xóa vết nhăn, làm chậm quá trình lão hóa, giúp da căng mịn.
- Trị bệnh phong, lao: Hoạt chất asiaticoside có trong rau má có tác dụng làm tan lớp màng sáp bọc vi khuẩn lao, phong, đồng thời giúp tăng cường hệ miễn dịch chống lại nhóm chủng khuẩn này, hỗ trợ điều trị bệnh phong và lao.
- Tác dụng đối với hệ tim mạch: Rau má chứa lượng lớn chất xơ giúp làm giảm cholesterol xấu có trong máu, giúp ngăn ngừa mắc các bệnh lý về tim mạch. Đồng thời, hoạt chất Bracoside A chiết xuất từ rau má có tác dụng kích thích bài tiết nitric oxide (NO) của mô. Từ đó giúp làm dãn nở vi động mạch, hỗ trợ máu lưu thông qua mô tốt hơn, giảm nhanh cơn đau tim. Song song quá trình đó, chất độc tích tụ trong cơ thể được đào thải ra ngoài dễ dàng hơn.
- Giảm căng thẳng, tăng khả năng tập trung, cải thiện trí nhớ ở người già: Hợp chất Bracoside B có trong rau má có tác dụng lên hệ thần kinh trung ương, làm tăng cường chất trung gian chuyển hóa giúp não bộ hoạt động tốt hơn. Nhờ đó, tăng khả năng tập trung và hỗ trợ cải thiện trí nhớ ở người cao tuổi. Bên cạnh đó, Triterpenoids từ rau má có công dụng tăng cường chức năng tâm thần và giảm sự lo lắng, giúp giảm stress và căng thẳng.
- Điều trị ung thư: Các nghiên cứu gần đây đã phát hiện các thành phần hóa học có trong rau má có tác dụng giúp ổn định DNA, ngăn chặn tế bào biến tính thành ung thư.
4. BÀI THUỐC TỪ CÂY RAU MÁ:
- Chữa vàng da do thấp nhiệt
Sử dụng 30 – 40 gram rau má, rửa sạch, sắc chung với 30 gram đường phèn. Lọc lấy nước và uống.
- Điều trị táo bón
Dùng 30 gram rau má, rửa sạch, giã nát và đắp lên rốn.
- Chữa tiểu ra máu
Sử dụng rau má và ích mẫu thảo, mỗi vị một nắm. Rửa sạch, giã nát và vắt lấy nước uống.
- Điều trị tiêu chảy
Hái 30 gram rau má sắc với nước vo gạo và uống mỗi ngày.
- Chữa lở loét vùng lưng
Dùng một nắm lá rau má, rửa sạch và giã nát. Sau đó, vắt lấy nước cốt trộn với bột gạo nếp tạo thành hỗn hợp sền sệt. Bôi lên vùng lưng bị tổn thương. Thực hiện nhiều lần trong ngày để có kết quả tốt.
- Điều trị bệnh sởi
Rau má 30 – 40 gram. Sắc thuốc và uống mỗi ngày.
- Trị nhọt độc
Sử dụng một nắm rau má tươi, rửa sạch. Tiếp đó, giã nát và đắp lên vùng bị mụn nhọt. Bên cạnh đó, có thể dùng 30 – 60 gram rau má, sắc thuốc uống.
- Chữa đau mắt đỏ
Lấy một nắm rau má rửa sạch, giã nát và đắp lên vùng mạch nằm ở lằn chỉ cổ tay. Hoặc dùng rau má tươi ngâm với thuốc tím rồi giã nát. Sau đó, lọc lấy nước và nhỏ mắt. Tuy nhiên, hiện nay cách làm thứ hai này không được sử dụng bởi vấn đề vô trùng.
- Cải thiện tình trạng lở loét ống chân
Sử dụng rau má tươi đã được rửa sạch, giã nát và đắp lên vùng bị tổn thương.
- Điều trị áp xe giai đoạn đầu
Dùng rau má và vỏ quả cau, mỗi vị bằng nhau. Sắc thuốc uống. Nếu muốn tăng thêm tính hiệu quả trong việc điều trị, bệnh nhân có thể thêm một chút rượu vào uống.
- Chữa viêm amidan và viêm họng
Rau má 60 gram, rửa sạch và giã nát. Tiếp đó, vắt lấy nước cốt rồi hòa thêm một chút nước ấm và uống.
- Hỗ trợ điều trị chấn thương phần mềm gây sưng nề
Dùng 20 – 30 gram rau má tươi, giã nát, vắt lấy nước cốt và hòa tan với một ít rượu rồi uống.
- Chữa ngộ độc thực phẩm hoặc do thuốc
Rau má giã nát, vắt lấy nước cốt và uống. Để dễ uống hơn có thể thêm một ít đường phèn.
- Điều trị các chứng xuất huyết
Dùng 30 – 100 gram rau má sắc thuốc uống hoặc giã nát, vắt lấy nước cốt và uống.
- Giải nhiệt trị mẩn ngứa, rôm sẩy, lợi tiểu và mat gan
Rau má 30 – 100 gram, giã nát và vắt lấy nước cốt uống. Hoặc cho vào máy xay sinh tố, xay nhuyễn và hòa thêm ít đường rồi uống.
- Trị đau lưng, hành kinh đau bụng
Rau má, rửa sạch và phơi khô. Sau đó nghiền thành bột mịn, bảo quản trong lọ thủy tinh. Mỗi ngày uống 2 muỗng cà phê.
RAU MÁ TRONG LÀM ĐẸP, TRỊ SẸO
- Trị sẹo lõm
Rau má rửa sạch và ngâm nước muối pha loãng 5 – 7 phút để loại bỏ ký sinh trùng, bụi bẩn. Sau đó, chia làm 2 phần. Phần đầu, xay nhuyễn thêm ít đường và uống. Phần còn lại, giã nát và đắp lên vết sẹo lõm. Sau khoảng 15 phút, rửa lại mặt bằng nước sạch.
- Chữa sẹo thâm
Rau má rửa sạch, để ráo và nghiền thành bột mịn. Mỗi ngày sau khi vệ sinh da, dùng bột rau má đắp lên mặt khoảng 20 phút rồi rửa lại bằng nước sạch. Mỗi ngày nên đắp 2 lần. Thực hiện liên tục sau 4 tháng giúp làm mờ vết sẹo thâm lâu năm.
- Trị sẹo lồi
Dùng nước ép rau má trộn với 1 muỗng cà phê mật ong và thoa lên vùng sẹo lồi. Sau khoảng 30 phút, vệ sinh lại da bằng nước ấm. Trong quá trình thoa hỗn hợp rau má, mật ong, nên massage nhẹ nhàng cho dịch chất thấm sâu vào bên trong, làm tăng tác dụng trị liệu.
- Làm trắng da
Sử dụng ít lá rau má, rửa sạch và giã nát rồi đắp lên da mặt. Thực hiện đều đặn mỗi ngày giúp cung cấp độ ẩm, làm da căng sáng và mịn màng hơn.
Lưu ý khi dùng dược liệu rau má
Để tránh tác dụng phụ, những đối tượng sau đây không nên sử dụng rau má để điều trị bệnh.
- Người bệnh mắc các chứng bệnh thuộc thể hư hàn
- Phụ nữ mang thai
- Người có tiền sử bệnh gan
- Bệnh nhân tiểu đường
- Người bệnh ung thư
- Bệnh nhân có vấn đề về da
Trích nguồn: Medigoapp.com/truntamthuocdantoc.com