Cẩm nang sức khoẻ, Gan mật

VIÊM GAN NHIỄM ĐỘC NGUY HIỂM NHƯ THẾ NÀO?

Chúng ta vẫn thường nghe nói đến bệnh viêm gan và tình trạng nhiễm độc gan. Vậy bạn đã biết gì về bệnh viêm gan nhiễm độc chưa? Bệnh này nguy hiểm ra sao và dấu hiệu nhận biết là gì? Chúng ta cùng tìm hiểu nhé.

1. Viêm gan nhiễm độc là bệnh gì?

Viêm gan nhiễm độc là tình trạng bệnh khá nguy hiểm. Bệnh diễn ra khi gan bị tổn thương cấp tính hoặc mạn tính do tiếp xúc với các chất độc, hóa chất dẫn đến việc xử lý độc tố của gan bị ảnh hưởng. Tình trạng này có thể diễn ra từ vài giờ, vài ngày đến vài tháng sau khi tiếp xúc với độc tố. 

Viêm gan nhiễm độc là tình trạng bệnh nguy hiểm

Mức độ nghiêm trọng của bệnh tùy thuộc vào thời gian và lượng độc tố mà gan tiếp xúc. Viêm gan nhiễm độc cần được can thiệp sớm, không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm và nguy cơ tử vong cao. Viêm gan nhiễm độc thường không lây từ người sang người vì chủ yếu là do các hóa chất độc hại gây ra.

2. Nguyên nhân gây viêm gan nhiễm độc

  • Lạm dụng thuốc: Đây là nguyên nhân hàng đầu gây tổn thương gan. Tất cả các loại thuốc dù được kê đơn hay không kê đơn đều có thể ảnh hưởng trực tiếp đến gan khi dùng quá liều và trong thời gian dài. Một số nhóm thuốc được khuyến cáo là tác nhân lớn nhất gây viêm gan nhiễm độc gồm:
  • Thuốc giảm đau nhóm acetaminophen (paracetamol): thường dùng hạ sốt, giảm đau. Nếu dùng với liều trên 4g/ngày và kéo dài sẽ gây viêm gan.
  • Thuốc kháng viêm giảm đau không phải steroid: thường dùng trị đau nhức xương khớp, dùng lâu dài sẽ gây tổn thương gan.
  • Thuốc kháng lao (rifamycin, isoniazide và pyrazinamide) đều có thể gây tổn thương gan.
  • Thuốc Đông y Trung Quốc: có thể gây tổn thương gan nặng hay suy gan cấp nếu dùng quá liều và lâu dài.
  • Thuốc tẩy giun, kháng sinh, trị nấm, tăng mỡ máu, điều trị tiểu đường, gây mê,…. đều có những ảnh hưởng nhất định đến gan khi không dùng đúng cách.

Lạm dụng thuốc là nguyên nhân hàng đầu gây viêm gan nhiễm độc

  • Hóa chất/chất độc: Các loại chất tẩy rửa, dung môi, thuốc trừ sâu, độc tố công nghiệp,…. đều là nguyên nhân dẫn đến viêm gan nhiễm độc khi tiếp xúc trong thời gian dài mà không có biện pháp bảo hộ. 
  • Lạm dụng bia rượu: Tác hại của bia rượu và các chất có cồn đến gan như thế nào thì chúng ta đều biết rất rõ. Khi gan phải xử lý lượng chất cồn quá cao trong thời gian ngắn thì sẽ trở nên quá tải dẫn đến tình trạng viêm gan nhiễm độc. Mức độ nguy hiểm cao hay thấp phụ thuộc vào lượng cồn và thời gian hấp thụ. 

Lạm dụng bia rượu gây hại gan

  • Do virus: Các loại virus viêm gan B, C đều có thể dẫn đến tình trạng viêm gan nhiễm độc (77 – 85% là tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B,C ở nước ta); thực phẩm bẩn, môi trường sống ô nhiễm cũng góp phần dẫn đến viêm gan nhiễm độc.

3. Triệu chứng của viêm gan nhiễm độc là gì?

Tùy vào mức độ của bệnh mà người bị viêm gan nhiễm độc sẽ có những biểu hiện sau đây:

Giai đoạn đầu

  • Mệt mỏi
  • Vàng da
  • Buồn nôn và nôn, chán ăn
  • Đau bụng vị trí gan đặc biệt là sau khi ăn
  • Nước tiểu sẫm màu
  • Phát ban ở dạng mẩn đỏ, nổi mề đay hay xuất hiện các đốm nhỏ gây ngứa ngáy, khó chịu.
  • Ngứa da, hơi thở có mùi hôi khai

Giai đoạn nặng

  • Chảy máu (nhất là máu mũi), khó cầm máu, xuất hiện nhiều vết bầm tím
  • Chướng bụng
  • Suy hô hấp, tụt huyết áp, suy thận, co giật, hôn mê.

Nhận biết sớm các dấu hiệu bệnh để điều trị kịp thời

4. Chẩn đoán và điều trị viêm gan nhiễm độc như thế nào?

Chẩn đoán: Cần thực hiện các xét nghiệm đánh giá như: khám lâm sàng xác định dấu hiệu tổn thương gan; Xét nghiệm máu, căn cứ vào mức độ tăng của các chỉ số enzym gan như AST/ALT,…; Siêu âm, chụp CT hoặc MRI để phát hiện tình trạng tổn thương trên gan. Một số trường hợp đặc biệt cần thực hiện sinh thiết gan để đánh giá mức độ bệnh.

Điều trị: chủ yếu tập trung loại bỏ chất độc cho gan

  • Truyền dịch tĩnh mạch, uống thuốc để kiểm soát triệu chứng bệnh và kết hợp theo dõi chức năng gan.
  • Kê đơn Corticosteroids giúp giảm viêm
  • Dùng thuốc giải độc, lọc máu.
  • Ghép gan

Viêm gan nhiễm độc thật sự rất nguy hiểm. Người bệnh có thể gặp nhiều biến chứng sau khi điều trị. Các biến chứng này ngày càng tăng sau mỗi lần gan bị nhiễm độc. Cách phòng bệnh tốt nhất là tránh lạm dụng thuốc, hạn chế tiếp xúc độc tố, giảm thiểu việc sử dụng bia rượu. Đồng thời bạn cần tăng cường dưỡng chất cho cơ thể, bổ sung các loại thực phẩm tốt cho gan cùng một lối sống khoa học. Bảo vệ lá gan chính là bảo vệ sức khỏe của chính chúng ta.