- Tên khác: Móc, đùng đình
- Tên khoa học: Caryota mitis
- Họ: Cau: Arecaceae.
- Bộ phận dùng: Bộ phận trên mặt đất
1. PHÂN BỐ
Cây mọc rải rác ở trong các rừng thưa, rừng thường xanh, rừng thứ sinh; phân bố ở rất nhiều tỉnh thành trong khắp cả nước như Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Ninh Bình, Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa.
Ngoài Việt Nam, cây còn sinh sống ở các nước Đông Nam Á khác, Ấn Độ.
2. ĐẶC ĐIỂM:
Cây đủng đỉnh có thể cao khoảng 8 m, thân hình cột và có sẹo do bẹ lá để lại. Lá đủng đỉnh rất to và dài, có hình lông chim do nhiều lá chét mọc so le có hình tam giác tạo thành (mép có răng cưa). Cụm hoa đủng đỉnh gồm nhiều bông mo dài, quả đủng đỉnh hình cầu và có màu đen chứa 1 hạt bên trong.
Trong đời sống hàng ngày, cây đủng đỉnh còn được dùng làm nhà (“phi đủng đỉnh bất thành chòi”), làm áo tơi, làm chổi, lấy lá trang trí, lấy củ hủ làm thức ăn (không ngọt bằng củ hủ dừa nhưng ngon hơn)…
Tính vị chung của cây móc là vị cay, hơi đắng và có tính mát.
Thành phần hoá học
- Thành phần hóa học của cây móc vẫn đang được các nhà khoa học tìm hiểu. Một vài nghiên cứu gần đây cho biết vị ngọt của cây này chứa 13,6% saccharose.
- Bên cạnh đó, công trình nghiên cứu của TS. Lê Tiến Dũng (thuộc Viện Khoa học Vật liệu ứng dụng) đã tìm ra một vài thành phần hóa học của cây móc có công dụng kích thích phát triển tế bào sụn. Đồng thời, nó không gây độc tế bào.
3. CÔNG DỤNG:
- Bẹ móc chữa rối loạn tiêu hóa: Đặc biệt là các trường hợp đại tiện ra máu, bạch đới hoặc lỵ .
- Nhân quả móc dùng làm thuốc chữa đau nửa đầu.
- Dịch đường của buồng hoa chưa nở được lên men với một số thành phần khác và trở thành rượu tại một số huyện ở Thừa Thiên Huế. Rượu này gọi là rượu Tà-vạt. Nó không thể thiếu trong các dịp lễ tết của một số dân tộc thiểu số ở nơi đây.
- Trái móc ngâm rượu có nhiều công dụng như:
+ Cải thiện tiêu hóa: Uống trực tiếp có thể chữa tình trạng đầy hơi, đau căng ở bụng và tiêu chảy.
+ Hỗ trợ điều trị các bệnh về cơ – xương – khớp: Thoa rượu lên vị trí bị sưng hoặc đau. Nó đặc biệt thích hợp cho người hay bị đau nhức chân tay, đau lưng và mỏi gối.
+ Bổ não: Rượu làm từ quả móc có tác dụng tuần hoàn máu huyết hiệu quả. Nhất là lượng máu lưu thông đến não.
4. CÁC BÀI THUỐC TỪ ĐỦNG ĐỈNH
- Điều trị khí hư: dùng rễ đủng đỉnh, rễ tre, rễ cau, rễ cọ (mỗi loại 12 g), thái nhỏ, sắc đặc rồi chia làm hai lần uống trong ngày.
- Điều trị động thai: sao vàng một lượng bằng nhau các vị rễ đủng đỉnh, rễ chuối hột và rễ chuối rừng rồi sắc lấy nước uống.
- Điều trị băng huyết: dùng bẹ đủng đỉnh phơi khô và xơ mướp với liều lượng bằng nhau, đốt thành tro, mỗi lần uống khoảng 6 g, uống với rượu và uống vào lúc đói.
- Điều trị ho ra máu: sắc uống 10 g bẹ đủng đỉnh (đã đốt tồn tính) và 12 g qua lâu nhân.
5. CHIẾT XUẤT CÂY ĐỦNG ĐỈNH CẢI THIỆN BỆNH XƯƠNG KHỚP:
- Nghiên cứu của PGS.TS Lê Tiến Dũng về thành phần caryotin trong đủng đỉnh hỗ trợ kích thích phát triển tế bào sụn khớp, giảm đau nhức xương khớp.
- PGS.TS Lê Tiến Dũng triển khai các nghiên cứu khoa học, tận dụng dược liệu Việt nhằm tạo ra các chế phẩm có giá trị chữa bệnh. Công trình khoa học nhận được nhiều sự chú ý của ông trong những năm gần đây là “Nghiên cứu thành phần hóa học và hoạt tính kích thích sự phát triển tế bào sụn từ quả cây đủng đỉnh”. Ông kỳ vọng kết quả nghiên cứu có thể giúp rút ngắn thời gian điều trị bệnh thoái hóa, đau nhức xương khớp.
- Trong quá trình tìm hiểu các bài thuốc từ thiên nhiên, Phó giáo sư Dũng được biết đến công dụng của cây đủng đỉnh (tên khoa học Caryota mitis Lour). Quả của loại cây này thường được ngâm rượu xoa bóp, hỗ trợ trị đau nhức xương khớp, kháng viêm. “Đây là tiền đề để tôi tiến hành nghiên cứu, phát hiện ra chế phẩm caryotin”, Phó giáo sư Dũng nói.
- Ông và cộng sự nghiên cứu thực nghiệm trong 2 năm 2017-2018. Thử nghiệm cho thấy, caryotin trong cây đủng đỉnh không chỉ kháng viêm, làm giảm các triệu chứng viêm mà còn hỗ trợ bảo vệ mô sụn trước hư tổn, góp phần kích thích phục hồi mô sụn mới. Hiệu quả đánh giá từ 14 ngày uống thuốc.
Những lưu ý khi sử dụng rượu đủng đỉnh
- Quả đủng đỉnh có chứa thành phần độc dược chính vì thế nó đã được liệt kê vào danh sách những loại cây cảnh mang vẻ đẹp độc đáo nhưng lại chứa độc. Chính vì thế mà khi dùng quả cần cẩn thận khi chạm vào. Nếu dùng tay không dính phải nhựa từ quả nhẹ sẽ bị ngứa rát, nặng hơn dễ bị lở loét và càng gãi càng nặng hơn. Vì vậy mà khi sử dụng quả cần dùng bao tay tránh tiếp xúc trực tiếp.
- Đối với cách dùng rượu quả đủng đỉnh để bôi hay thoa lên bộ phận bị đau, bong gân cần lưu ý tránh vết thương hở hay có ngứa, loét. Tránh bị mở rộng vết thương nặng hơn.
- Cần cẩn thận đối với đối tượng là trẻ em và người lớn tuổi đang gặp các vấn đề về sức khỏe như mới ốm dậy hay sức đề kháng kém. Bởi các chất có trong quả đủng đỉnh dễ kháng lại phản ứng của cơ thể. Hệ miễn dịch của hai đối tượng này khá kém nên cần chú ý khi sử dụng các sản phẩm có chứa độc tố.
- Không nên tự ý ngâm rượu quả đủng đỉnh để uống nên cần phải tham khảo ý kiến của thầy thuốc. Nhất là không nên dùng quả hư, quả thối để dùng ngâm rượu uống mà không màng đến hậu quả.
- Nên đậy kín bình rượu tránh sự xâm nhập của các loại bọ, kiến và tránh ánh nắng mặt trời làm mất tác dụng từ rượu.